Di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Diên Khánh – Văn miếu Diên Khánh.
Ý nghĩa:
+ mục đích giáo dục người dân về lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khơi dậy và giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo cho người dân Việt Nam.
+ Giúp cho mọi người hiểu biết nhiều hơn về di tích lịch sử văn miếu Diên Khánh.
Nội dung thuyết trình:
- Sinh ra và lớn lên tại Diên Khánh – Vùng đất của những di tích Lịch sử - Văn hóa với 05 di tích được công nhận là di tích Quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế, chúng ta dường như quên lãng đi những di tích lịch sử văn hóa mà ông cha ta đã để lại.
-Như ta đã biết, Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học từ lâu đời với một nền Nho giáo được xem là hệ tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến xã hội Việt Nam, nhắc đến nho giáo chúng ta không thể không nhắc đến đức Khổng Tử, người sáng lập Nho Giáo. Xuất phát từ lòng ngưỡng mộ đối với tài năng và phẩm chất của đức Khổng Tử, chi đoàn TTYT sẽ giới thiệu đến mọi người một di tích lịch sử văn hóa nằm trên địa bàn huyện Diên Khánh đó là Văn miếu Diên Khánh - nơi thờ đức Khổng Tử và những bậc hiền triết là học trò của Ngài; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, tôn vinh những người đỗ đạt thành danh trong các kỳ khoa bảng.
-Văn miếu Diên Khánh tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, với tổng diện tích 1.500m2, thuộc Tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh.
-Văn miếu Diên Khánh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 15/10/1998. Chính vì đã được lập từ rất lâu đời, cũng như trải qua nhiều cuộc chiến tranh lịch sử, nên văn miếu Diên Khánh được trùng tu lại nhiều lần để giữ được vẻ đẹp cổ kính mà vẫn có giá trị sử dụng.
-Để biết rõ hơn về di tích lịch sử văn hóa này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lịch sử hình thành Văn miếu Diên Khánh:
+Năm 1803: Vua Gia Long cho ra chỉ dụ lập Văn Miếu tại xã Phú Lộc, huyện Hoà Châu – thị trấn Bình Hoà, nay thuộc khóm Phú Lộc Tây – thị trấn Diên Khánh – tỉnh Khánh Hoà. Khi khởi dựng, Văn miếu có các công trình kiến trúc: miếu Chính và miếu Khải Thánh, được lợp bằng cỏ tranh.Tuy nhiên do những năm mưa lũ chiền miên nên đã được dời nơi khác.
+Năm 1849, Văn miếu được tu bổ hệ mái, thay mái tranh bằng mái ngói và dựng thêm Tả vu, Hữu vu, Khải miếu, Quan cư, Từ miếu…với qui mô rất bề thế, vững chắc
+Năm 1853: Văn Miếu chính thức được xây dựng lại với quy mô lớn và hoàn thành trong năm, Văn Miếu có nhà bi đình, chính giữa có tòa tiền đường và chánh đường cao rộng, làm bằng gỗ xây tường gạch bao, các cột kèo được chạm trổ sơn son thếp vàng đẹp đẽ, uy nghiêm.
+Năm 1982, 1904 và 1941: Trải qua nhiều thời gian Văn Miếu xuống cấp và đã được tu bổ chỉnh sửa một vài hạng mục.
+Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Đây là nơi cất giấu vũ khí lương thực luyện tập quân sự chi viện cho mặt trận Nha Trang Khánh Hòa năm 1945-1946
+Năm 1948: Văn Miếu bị đốt trụi trong chiến dịch “Tiêu thổ Kháng chiến” của Việt Minh.
+Năm 1958, Văn chỉ Diên Khánh ở Gò Sòng, Phước Tuy, xã Diên Phước bị hư hỏng, xuống cấp, không người trông nom hương khói, nên các cụ trong Văn hội như: Hoành Sơn Phan Duy Tuần, Qua Phong Nguyễn Trọng Tố, Nguyễn Tấn xin phép chính quyền cho chuyển phần cơ sở vật chất còn lại của Văn chỉ Diên Khánh tại Phước Tuy về dựng lại trên đất Văn miếu Diên Khánh xưa để tu bổ, phục dựng và đặt tên là Văn miếu Diên Khánh
+Năm 2008, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nguồn ngân sách của tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tu bổ Văn miếu Diên Khánh về kết cấu giữ như kiến trúc từ năm 1959.
-Hiện tại, Văn Miếu chỉ còn giữ được 2 tấm bia đá thời Tự Đức 11 (1858) giúp ta hiểu biết hơn về lịch sử, văn hoá, sinh hoạt của nhân dân Khánh Hoà và quá trình hoàn thiện khu Văn Miếu năm 1854. Ngoài ra còn có một Bài minh ở Bái Đường nói rõ hơn về sự đỗ đạt của các vị văn võ, khoa bảng, hào mục, chức sắc và các học sinh địa phương từ đầu triều Nguyễn đến thời Tự Đức
-Văn Miếu Diên Khánh thờ Khổng Tử, Tứ phối (4 vị học trò giỏi được Khổng Tử thương yêu nhất và được phối thờ cùng Ngài là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Cấp, Mạnh Kha), Thập Triết (10 vị hiền triết có công với Nho giáo là Mẫn Tử Khiên, Tử Trương, Tể Dư, Nhiễm Hữu, Ngôn Yển, Nhiễm Canh, Nhiễm Ung, Trọng Do, Bốc Thượng và Đoan Mộc Tử)… Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, Văn miếu Diên Khánh là một trong sáu cơ sở thờ tự của tỉnh Khánh Hòa được liệt vào lệ “Quốc tế”.
-Hàng năm, Ban quản lý di tích đều tổ chức lễ Thánh Đản ( kỷ niệm ngày sinh 27/8 âm lịch) và Thánh Húy (ngày giỗ 18/4 âm lịch) của đức Khổng Tử.
-Từ năm 2004 đến nay, Văn miếu Diên Khánh duy trì lễ phát thưởng, trao học bổng “Khuyến học, khuyến tài” cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi của huyện Diên Khánh và tỉnh Khánh Hoà vào lễ “Thánh húy”, nguồn kinh phí được Ban quản lý vận động từ các nhà hảo tâm, của Hội khuyến học tỉnh Khánh Hòa và Hội khuyến học huyện Diên Khánh.
- Hôm nay, được dịp tham quan di tích lịch sử văn miếu Diên Khánh, chúng tôi có gặp được ông sáu- là người trông nom cho văn miếu, ông sáu vừa trông nom giữ gìn văn miếu vừa làm chân đèn bằng đất sét để kiếm thêm thu nhập. Qua cuộc đối thoại ông nói với chúng tôi “ giờ mấy đứa nhỏ ở đây làm gì biết Văn miếu Diên Khánh nằm ở đâu đâu con”, nghe câu nói đó chúng tôi cảm thấy chạnh lòng vô cùng vì chính người dân trên đất Diên Khánh lại hầu như quên lãng đi một di tích lịch sử cấp quốc gia như vậy.
-Với mục đích giáo dục người dân về lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương. Văn Miếu Diên Khánh tồn tại ở đó đã góp phần giáo dục lòng tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khơi dậy và giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo cho người dân Việt Nam.
-Qua đây, chi đoàn cũng mong người dân trong và ngoài tỉnh hiểu thêm về di tích lịch sử văn hóa văn miếu Diên Khánh, để mọi người dân tự hào về lịch sử dân tộc từ đó góp phần quảng bá di tích lịch sử này đến với bạn bè trong nước và quốc tế, giúp di tích này ngày càng được nhiều người biết đến, trở thành nơi tham quan thu hút nhiều khách du lịch đến tìm hiểu.